Giới thiệu chung về Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát

 

Trụ sở Ban quản lý Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát

Địa chỉ:

Trụ sở chính: Quốc lộ 22B, xã Tân Bình, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.

Văn phòng đại diện: 284 đường Cách Mạng Tháng Tám, khu phố 2, phường 2, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh.

Điện thoại: 0276.3874018.

Email: vqglogoxamat@tayninh.gov.vn

Vị trí: Vườn quốc gia (VQG) Lò Gò – Xa Mát nằm về phía Tây Bắc tỉnh Tây Ninh, cách Thành phố Tây Ninh khoảng 35 Km, cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 135 Km. Tọa độ địa lý từ 11°00'30" tới 11°47'00" vĩ độ Bắc, và từ 105°57'00" tới 106°07'10"kinh độ Đông.

       - Tứ cận:

+ Phía Bắc và Tây giáp biên giới Việt Nam - Campuchia;

+ Phía Nam giáp các xã: Hòa Hiệp, Thạnh Tây, Thạnh Bắc, Thạnh Bình, huyện Tân Biên;

+ Phía Đông giáp xã Tân Hội và xã Tân Hà, huyện Tân Châu.

Diện tích:

Tổng diên tích Vườn quốc gia 30.023 ha, trong đó:

- Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: 10.615,16 ha.

- Phân khu phục hồi sinh thái: 19.277,51 ha.

- Phân khu dịch vụ hành chính: 130,46 ha

Sơ đồ tổng quan Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát

Quá trình thành lập:

Năm 1986: Lò Gò - Xa Mát có tên trong Quyết định số 194/CT ngày 9 tháng 8 năm 1986 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Theo quyết định này thì Lò Gò - Xa Mát có diện tích là 10.000 ha. Trước khi được công nhận là rừng đặc dụng thì Lò Gò - Xa Mát thuộc sự quản lý của hai lâm trường Hoà Hiệp và Tân Bình.

Năm 1996: Tháng 12 năm 1996, Phân viện Điều tra Quy hoạch Rừng II (FIPI II) đã xây dựng dự án đầu tư cho Lò Gò - Xa Mát với diện tích 16.754 ha và được xác định tên là Khu rừng Văn hoá Lịch sử và Môi trường.

Năm 1997: Dự án đầu tư đã được Bộ NN& PTNT phê duyệt theo Công văn số 842NN/PTLN/CN ngày 21 tháng 3 năm 1997 và Uỷ ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh  phê duyệt theo Quyết định số 261/QĐ-UB ngày 16 tháng 7 năm 1997. Trên cơ sở quyết định của Uỷ ban Nhân dân tỉnh, Ban Quản lý rừng đặc dụng đã được thành lập.

Năm 1999: Trong quá trình rà soát lại toàn bộ hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam, Viện Điều tra Quy hoạch Rừng và Tổ chức Chim Quốc tế (BirdLife International) đã xác định Lò Gò - Xa Mát hiện còn nhiều diện tích rừng tự nhiên quan trọng với diện tích lớn và đề xuất cần phải đánh giá lại và mở rộng khu bảo tồn .

Ngay sau đó, hai cơ quan này đã tiến hành khảo sát nhanh khu Lò Gò - Xa Mát vào tháng 12 năm 1999 và nhận thấy đây là khu vực có giá trị cao về đa dạng sinh học. Năm 2001, Birdlife International, Viện STTNSV và Đại học Khoa học Tự nhiên Tp. Hồ Chí Minh đã tiến hành điều tra trong khu vực, kết quả đã cho thấy Lò Gò - Xa Mát có giá trị đa dạng sinh học cao.

Năm 2002: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 91/2002/QĐ-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2002 chính thức chuyển hạng Khu Bảo tồn thiên nhiên Lò Gò - Xa Mát thành Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát.

Năm 2020: Quyết định số 1098/QĐ-UBND ngày 01/6/2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về thành lập Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát.

Chức năng và nhiệm vụ:

1. Chức năng

Ban quản lý Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát có chức năng quản lý, bảo vệ, xây dựng và sử dụng tài nguyên rừng Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát theo đúng quy định của pháp luật về quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất”.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn

a) Quản lý, bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng và bảo tồn đa dạng sinh học

Bảo tồn mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng dày bán ẩm, đa dạng sinh học đặc trưng của vùng rừng chuyển tiếp giữa Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ và đồng bằng Sông Cửu Long;

Bảo tồn đa dạng sinh học: bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được nhà nước quy định bảo vệ, nhằm duy trì nguồn gen phục vụ cho các mục đích nghiên cứu khoa học và các mục đích khác của con người;

Quản lý, bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng, đảm bảo duy trì sự cân bằng sinh thái và gia tăng độ che phủ của rừng, đảm bảo an ninh môi trường và sự phát triển bền vững của vùng sinh thái chuyển tiếp;

Phối hợp các đơn vị liên quan bảo tồn và tôn tạo các di tích lịch sử cấp quốc gia trên địa bàn;

Xây dựng các dự án: Xây dựng Phương án quản lý rừng bền vững, các dự án đầu tư và phát triển Vườn quốc gia; đầu tư xây dựng và phát triển vùng đệm của Vườn quốc gia trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định của pháp luật và tổ chức triển khai thực hiện các dự án trên sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

Tổ chức và thực  hiện các biện pháp phòng, chống và chữa cháy rừng, phòng trừ sâu bệnh hại rừng; ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại, phá hoại rừng và môi trường rừng;

Tổ chức cho dân cư đang sinh sống vùng đệm của Vườn quốc gia tham gia bảo vệ rừng và tạo điều kiện phát triển kinh tế nâng cao đời sống.

b) Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế

Tổ chức nghiên cứu khoa học, tiếp tục điều tra phát hiện, bổ sung và bảo tồn các loài động vật, thực vật đặc hữu quý hiếm hiện có trong khu vực Vườn quốc gia;

Nghiên cứu xây dựng mô hình lâm nghiệp ở vùng đệm, mô hình làng du lịch, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp và tham gia bảo tồn hệ sinh thái mẫu cho dân cư ở Vườn quốc gia và vùng đệm Vườn quốc gia;

Triển khai các hoạt động hợp tác trong việc bảo tồn thiên nhiên vùng biên giới Việt Nam - Campuchia và bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học giữa các nước Đông Dương.

c) Cứu hộ, bảo tồn, phát triển sinh vật

Tổ chức tiếp nhận, cứu hộ các loài bản địa hoặc các loài phù hợp với sinh cảnh tự nhiên của Vườn quốc gia hoặc các loài được phép nghiên cứu khoa học. Nuôi cứu hộ, nuôi bán hoang dã nhằm mục đích tái thả sinh vật về môi trường tự nhiên và phục vụ nghiên cứu khoa học.

d) Phát triển du lịch, giáo dục môi trường

Phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án phát triển du lịch trong Vườn Quốc gia trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tổ chức thực hiện các dự án du lịch trên nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và cảnh quan tự nhiên và môi trường của Vườn quốc gia, phù hợp với Phương án quản lý rừng bền vững được phê duyệt. Tạo nguồn thu từ du lịch để đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát triển Vườn quốc gia và phát triển kinh tế xã hội địa phương;

Tổ chức thực hiện công tác giáo dục môi trường trong cộng đồng, quán triệt, tuyên truyền văn bản quy phạm pháp luật, chủ trương chính sách về lâm nghiệp, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học…

e) Thực hiện các nhiệm vụ khác do UBND tỉnh giao

Địa hình:

Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát rải rác có những gò cao với độ cao không vượt quá 25 m so với mực nước biển. Cả vùng có độ dốc trung bình 10 - 50 do vậy Vườn quốc gia có địa hình gần như bằng phẳng. 

Mặt cắt địa hình hướng Bắc - Nam

Địa chất và thổ nhưỡng:

Đất phù sa cổ (Đất xám điển hình).

Đất phù sa sông suối (Đất xám có tầng loang lổ đỏ vàng).

Đất phù sa có tầng laterit.

Đất xám đọng mùn tầng mặt.

Thủy văn:

Nước bề mặt - sông suối: 

Sông Vàm Cỏ Đông: Xuất phát nguồn từ Campuchia chảy qua phía Tây khu rừng và là ranh giới quốc gia Việt Nam - Campuchia. Đoạn chảy qua khu rừng dài khoảng 20 km, lòng sông rộng 10 - 20m, có nơi mở rộng đến 50 m, chảy uốn lượn và có nước ngọt quanh năm.

Suối Đa Ha - Xa Mát: Cũng xuất phát nguồn từ Campuchia chảy qua phía Đông Bắc - Tây Nam chảy vào khu trung tâm khu vực Vườn quốc gia chảy ra sông Vàm Cỏ Đông. Suối có nước quanh năm, lòng suối nhỏ, chảy ngoằn nghoèo nên các phương tiện giao thông đường thủy rất khó đi lại.

Ngoài ra còn có một số suối nhỏ nằm trong khu rừng như: Suối Mẹc Nu (xuất phát từ trảng Tân Thanh, trảng Miên Thui chảy vào suối Đa Ha, suối chỉ có nước vào mùa mưa), suối Sa Nghe (xuất phát từ bàu Quang, chảy về suối Đa Ha), suối Tà Nốt, suối Bà Điết, các suối đều cạn nước vào mùa khô.

Nước ngầm:

Nước ngầm trong khu vực khá phong phú và gần mặt đất, ở độ sâu 4 - 5 m ở các khu vực gần sông suối có thể cung cấp nước sinh hoạt, và ở độ sâu > 20 m cho nước phục vụ sản xuất. Tầng nước nông thuộc trầm tích phù sa mới có chất lượng không ổn định và bị chua do tích tụ sắt trong tầng đất trầm tích.

Đặc điểm đa dạng sinh học:

Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát nằm ở vị trí chuyển tiếp giữa nam Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ xuống vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có các dạng địa hình đồi thấp, bàu, trảng đất ngập nước theo mùa, các sông, suối tự nhiên... những đặc trưng đó chỉ có ở Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát mà các Vườn quốc gia khác không có, chi phối và liên quan đến sự phân bố của thảm thực vật rừng, đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát.

Hệ sinh thái rừng của VQG Lò Gò - Xa Mát là mẫu chuẩn của vùng chuyển tiếp giữa vùng đồi núi thấp vùng Đông Nam bộ xuống vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Các kiểu thảm thực vật chính tại VQG Lò Gò - Xa Mát:

Kiểu rừng nguyên sinh và thứ sinh thường xanh cây lá rộng theo mùa.

Kiểu rừng sao dầu thứ sinh trên đất ngập nước theo mùa trên đất ferralit nông/cạn.

Kiểu rừng khô thưa thứ sinh ngập nước theo mùa trên đất ngập nước ưu thế họ Sao Dầu và Tràm và trảng ngập nước theo mùa thứ sinh ưu thế Tràm và Randia.

Trảng cỏ ngập nước theo mùa.

Rừng thứ sinh cây bụi trảng cỏ ngập nước ven sông, lòng suối.

Rừng lá rộng thường xanh theo mùa

Rừng lá rộng rụng lá theo mùa

Đất ngập nước

Hệ động, thực vật rừng và các loài nguy cấp, quý hiếm:

Về thực vật rừng đã xác định được hơn 700 loài thuộc 5 ngành thực vật, 60 bộ, 116 họ và 396 chi. Ngành Ngọc Lan (Magnoliophyta) là ngành có nhiều loài thực vật nhất (chiếm 97,1% trong tổng số loài thực vật). Trong đó có 4 họ thực vật Rubiaceae, Euphorbiaceae, Fabaceae, Orchidaceae có số loài vượt trội hơn (từ 28 đến 57 loài) so với các họ thực vật khác. Họ Dipterocarpaceae chỉ có 13 loài nhưng là những đại diện tiêu biểu nhất nằm ở tầng trên cùng đang chiếm ưu thế và giữ một vị trí quyết định đến thành phần các loài trong hệ thực vật và tính chất của kiểu rừng. Các loài thực vật đặc hữu và cận đặc hữu gồm 3 nhóm: Nhóm 1 có Habenaria rostrata, Pectelis susannae, Dendrobium leonis, Micropera pallida (Orchidaceae) phân bố hẹp giới hạn trong các kiểu rừng ưu thế họ Sao Dầu thuộc Nam Đông Dương từ vùng đồng bằng Thái Lan đến Campuchia và một phần nhỏ của Việt Nam. Nhóm 2: Colona auriculata (Tiliaceae), Dalechampia falcate (Euphorbiaceae), Decaschistia parviflora (Malvaceae) là các loài đặc hữu của Việt Nam và vùng lân cận bên Campuchia. Nhóm 3: Malleola seidenfadenii (Orchidaceae), Phoenx loureiroi (Arecaceae), Villarsia rhomboidalis (Menyanthaceae) là các loài đặc hữu của phía Đông Đông Dương kể cả Việt Nam và một phần của Lào và Campuchia. Thành phần loài cây có vị thuốc của Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát đã xác định được 486 loài (chiếm 70,0% tổng số loài hiện có của Vườn quốc gia, 322 chi (81,5% tổng số chi), 104 họ (90,4% tổng số họ) của 4 ngành (80% tổng số ngành). Trong đó xác định được 18 loài cây thuốc có giá trị bảo tồn theo thang đánh giá của Sách đỏ Việt Nam (2007), Danh lục đỏ của IUCN (2013) và Nghị định số 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ, và 10 loài cây thuốc nằm trong Danh mục vị thuốc Y học cổ truyền của Bộ Y tế (2013).

Hệ nấm Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát rất đa dạng, gồm nhiều loài thuộc nhiều họ khác nhau, phân bố rộng khắp trong các khu vực thuộc Vườn quốc gia bao gồm các loại nấm mọc từ đất và các loại nấm mọc từ gỗ. Có tổng số 112 loài thuộc 66 chi, 36 họ, 13 bộ thuộc 2 ngành Nấm đảm (Basidiomycota) và Nấm túi (Ascomycota). Kết quả nghiên cứu cho thấy, thành phần loài Nấm lớn ở Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát rất đa dạng, trong đó ngành Nấm đảm (Basidiomycota) chiếm ưu thế tuyệt đối với 11 bộ, 34 họ, 64chi, 108 loài chiếm 96,43% loài đã xác định. Ngành Nấm túi (Ascomycota) chiếm 2 bộ, 2 họ, 2 chi, 4 loài chiếm 3,57% trong tổng số loài ghi nhận đến thời điểm hiện tại trên địa bàn Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát.

Về động vật rừng: Lớp thú có 42 loài thú của 7 bộ, Lớp chim có 203 loài chim thuộc 15 bộ và 40 họ, Lớp Bò sát có 58 loài, thuộc về 2 bộ, Lớp Ếch nhái ở VQG  Lò Gò - Xa Mát gồm 23 loài thuộc 2 bộ, 6 họ và 15 giống. Các loài thú có tên trong Sách Đỏ Thế giới (IUCN, 2005): Voọc chà vá chân đen (Pygathrix nigripes), Voọc bạc (Trachypithecus margarita), Khỉ đuôi dài (Macaca fascicularis), Khỉ đuôi lợn (Macaca leonina), Cu li nhỏ (Nycticebus pygmaeus). Các loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam: Dơi chó tai ngắn (Cynopterus brachyotis), Mễn (Muntiacus m. annamensis), Mèo rừng (Prionailurus bengalensis), Chồn Bạc má (Melogale personata), Sóc đen (Ratufa bicolor), Cheo (Tragulus javanicus), Nhím bờm (Acanthion brachyurus), Sóc bay trâu (Petaurista philippensis).

Voọc chà vá chân đen (Pygathrix nigripes)

Khu hệ chim: VQG Lò Gò - Xa Mát là nơi phân bố của những loài chim quí hiếm, phân bố hẹp, đặc hữu vùng, những loài đang bị nguy cấp hay bị đe dọa ở cấp quốc gia và qui mô toàn cầu như Gà lôi hông tía (Lophura diardi), Già đẫy Java (Leptoptilos javanicus), Chích chạch má xám (Macronous kelleyi), Sếu cổ trụi (Sếu đầu đỏ) (Grus antigone sharpii), Cò nhạn (Anastomus oscitans), Hạc cổ trắng (Ciconia episcopus). Đuôi cụt bụng vằn (Pitta elliotii) và Sả mỏ rộng (Halcyon capensis) và mới đây phát hiện thêm Le khoang cổ, nơi đây còn là nơi dừng chân của một số loài chim di cư. Vườn quốc gia là điểm bảo tồn chim quan trọng của vùng Đông Nam Bộ: Theo Tordoff, A. W. ed. (2002) thì VQG Lò Gò - Xa Mát nằm trong vùng phân bố Chim đặc hữu núi thấp miền Nam Việt Nam, nơi trú ngụ của 2 trong 3 loài có vùng phân bố hẹp trong vùng chim này là Gà tiền mặt đỏ (Polyplectron germaini) và Chích chạch má xám (Macronous kelleyi). Ngoài ra, theo đánh giá của Tổ chức Birdlife Quốc tế ở Đông Dương và Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) thì VQG Lò Gò - Xa Mát có đủ tiêu chuẩn quốc tế là một vùng chim quan trọng (Chỉ dẫn về các vùng chim quan trong ở Việt Nam: Những khu bảo tồn chim chính, Hà Nội).

Khu hệ Cá có 89 loài cá thuộc 26 họ và 10 bộ, bằng 70,4% khu hệ cá Đồng Tháp Mười. Có 77/88 loài cá có giá trị kinh tế. Khu hệ cá VQG Lò Gò - Xa Mát vừa có tính di cư vừa mang tính địa phương (tại chỗ). Những loài cá di cư nổi tiếng nhất là Cá lăng nha, Cá linh rìa, Cá ngựa Nam. Đã xác định 6/88 loài cá có tên trong sách Đỏ Việt Nam năm 2000 và danh lục Đỏ Việt Nam năm 2004 (theo tiêu chuẩn mới của IUCN). Loài cá Cóc (Cyclocheilichthys heteronema Bleeker) được ghi nhận là lần đầu tiên mô tả cho khu hệ cá nước ngọt Việt Nam, Cá duồng (Cirrhinus microlepis Sauvage), Cá ét mọi (Morulius chrysophekadion Bleeker), Cá sơn đài (Wallagonia miostoma Vaillant), Cá hường, Thái hổ (Coius microlepis Bleeker), Cá mang rổ (Toxotes chatareus Hamilton).

Bò sát: VQG Lò Gò - Xa Mát có 59 loài bao gồm 18 loài bò sát thuộc nhóm quý hiếm, chiếm 30,5% số loài bò sát trong khu vực. Trong đó, có 12 loài có trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ; 10 loài có trong danh lục của CITES 2002; 16 loài trong Sách Đỏ Việt Nam 2000; và 5 loài trong danh lục của IUCN. Đặc biệt có 9 loài ở mức nguy cấp (EN) và loài Hổ mang chúa (Ophiophagus hannah) ở mức cực kỳ nguy cấp (RN).

Lưỡng cư: 25 loài, trong đó có 1 loài lưỡng cư có tên trong Sách đỏ Việt Nam (2000) ở bậc VU là Ếch giun (Ichthyophis bannanicus), loài Nhái bầu vẽ (Micrhyla picta) là đặc hữu của VN.

Hệ côn trùng gồm 128 loài côn trùng thuộc về 9 bộ, là một phần rất quan trọng của hệ côn trùng vùng rừng mưa nhiệt đới khu vực phía Nam Việt Nam.

Di tích lịch sử - văn hóa

VQG Lò Gò - Xa Mát nằm ở khu căn cứ địa cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong VQG và khu vực phụ cận có các nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia, đang được bảo tồn, tôn tạo phục vụ tham quan du lịch và giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau điển hình như: Căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam, Căn cứ Trung ương Cục Miền Nam, Căn cứ Ban An Ninh Trung ương Cục Miền Nam, Căn cứ Mặt trận Giải phóng Miền Nam, Đài phát thanh Giải phóng, Hãng phim Giải phóng, Nhà in Trần Phú, Thông tấn xã Giải phóng ...

Nhà làm việc lợp lá Trung quân trong thời kỳ kháng chiến

Ngoài ra còn có nền văn hóa của các dân tộc Khmer, Hoa… Đây là nơi có giá trị bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa, tham quan du lịch, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau. 

  • Đang truy cập2
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm1
  • Hôm nay140
  • Tháng hiện tại5,774
  • Tổng lượt truy cập459,524
Bản đồ vườn quốc gia
  • ban do

Số : 01/2023/TT-BTNMT

Tên : Thông tư ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường xung quanh

Thời gian đăng: 20/03/2023

lượt xem: 213 | lượt tải:125

Số : 521/QĐ-VQG

Tên : Về việc phê duyệt quy hoạch cán bộ cấp phòng nhiệm kỳ 2026-2031

Thời gian đăng: 20/06/2022

lượt xem: 198 | lượt tải:162

Số : 522/QĐ-VQG

Tên : Về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cán bộ cấp phòng nhiệm kỳ 2021-2026

Thời gian đăng: 20/06/2022

lượt xem: 296 | lượt tải:162

Số : 446/QĐ-UBND

Tên : QĐ ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021

Thời gian đăng: 03/06/2022

lượt xem: 230 | lượt tải:0

Số : 44/2019/QH14

Tên : Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia

Thời gian đăng: 03/06/2022

lượt xem: 272 | lượt tải:58

Số : 39/2019/QH14

Tên : Luật đầu tư công

Thời gian đăng: 03/06/2022

lượt xem: 197 | lượt tải:65
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây