Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát được đánh giá có tầm quan trọng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam (Tordoff và nnk. 2002; Tordoff 2002). Hiện trạng về đa dạng sinh học cho thấy Vườn quốc gia có trên 700 loài thực vật rừng, 42 loài thú, 203 loài chim, 25 loài lưỡng cư, 59 loài bò sát và 89 loài cá và 109 loài côn trùng nước (Viện Sinh học Nhiệt Đới 2007; Hoàng Minh Đức và nnk. 2013).
Khu hệ linh trưởng tại Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát được ghi nhận ban đầu với 05 loài bao gồm Chà vá chân đen Pygathrix nigripes, Voọc bạc Trachypithecus margarita, Khỉ đuôi dài Macaca fascicularis, Khỉ mặt đỏ Macaca arctoides và Cu li nhỏ Nycticebus pygmaeus. Tuy nhiên thông tin ghi nhận của loài Chà vá chân đen và Voọc bạc là từ thông tin phỏng vấn, riêng loài Khỉ mặt đỏ được ghi nhận trong khu dân cư (Le Trong Trai & Tran Hieu Minh 2000). Nhiều loài quan trọng như Chà vá chân đen, Voọc bạc và Khỉ mặt đỏ không được ghi nhận trong các đợt khảo sát sau này (Trần Triết và nnk. 2006; Viện Sinh học Nhiệt Đới 2007; Hoàng Minh Đức và nnk. 2013)cho thấy mức độ hiện diện của các loài nói trên trong Vườn quốc gia tương đối thấp. Qua những đợt tuần tra rừng của Ban quản lý Vườn quốc gia từ năm 2010 đến 2012 đã quan sát được ít nhất 01 bầy Chà vá chân đen trong kiểu rừng ven suối khu vực trạm Đa Ha là những ghi nhận mới nhất và xác thực nhất về loài Chà vá chân đen trong Vườn quốc gia. Trong chuyến khảo sát của Hoàng Minh Đức và nnk (2013) đã ghi nhận thêm loài Khỉ đuôi lợn (Macaca leonina), nâng tổng số loài linh trưởng hiện có trong Vườn quốc gia lên 06 loài.
Mặc dù linh trưởng là đối tượng được quan tâm nhiều trong bảo tồn nhưng thông tin về hiện trạng bảo tồn các loài linh trưởng tại Vườn quốc gia chưa được cập nhật đầy đủ. Trước thực trạng đó, năm 2016 Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát phối hợp với Viện Sinh thái học miền nam thực hiện đề tài: “Xây dựng kế hoạch bảo tồn các loài Linh trưởng ở Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát tỉnh Tây Ninh”.
Đề tài áp dụng nhiều phương pháp nghiên cứu, điều tra vùng phân bố, nghiên cứu về tập tính các loài linh trưởng, thu thập mẫu phân đề phân tích AND xác định loài linh trưởng. Để đánh giá hiện trạng phân bố và kích thước quần thể, nhóm nghiên cứu áp dụng phương pháp nghiên cứu theo tuyến khảo sát (Buckland và nnk. 2001; Buckland và nnk. 2010)và điểm khảo sát để nghiên cứu về đặc điểm phân bố (Setchell & Curtis 2003). Để đánh giá mật độ và kích thước quần thể, nhóm khảo sát nghiên cứu theo tuyến điều tra, ghi nhận với thời gian di chuyển trên mỗi tuyến là 02 lần cho mỗi đợt nghiên cứu. Người điều tra di chuyển dọc theo tuyến, ghi nhận lại loài linh trưởng bắt gặp được, khoảng cách đến cá thể (bầy) và góc so với tuyến khảo sát. Mật độ và kích thước quần thể cho từng loài linh trưởng ghi nhận được trong nghiên cứu sẽ được xử lý và tính toán bằng phần mềm DISTANCE 7.0 (Thomas và nnk. 2010; Buckland và nnk. 2015).
Khỉ đuôi dài - Macaca fascicularis
Hiện trạng về vùng sinh cảnh tiềm năng cho các loài linh trưởng được đánh giá bằng phần mềm MAXENT (Phillips và nnk. 2017)với hai nguồn thông tin chính là vị trí ghi nhận các loài linh trưởng và dữ liệu môi trường. Đối với nguồn dữ liệu môi trường, nhóm nghiên cứu sử dụng nguồn dữ liệu môi trường là nhiệt độ, lượng mưa, độ cao, và hiện trạng rừng.
Qua gần hai năm triển khai nghiên cứu đề tài đã ghi nhận trực tiếp ngoài thực địa được 03 loài linh trường là Khỉ đuôi dài Macaca fascicularis, Khỉ đuôi lợn Macaca leonine và Chà vá chân đen Pygathrix nigripes. Một loài linh trưởng khác cũng được ghi nhận qua nghiên cứu này nhưng thông tin từ cán bộ kiểm lâm là loài cu li nhỏ Nycticebus pygmaeus. Hai loài linh trưởng đã từng được ghi nhận trước đây là loài Khỉ mặt đỏ Macaca arctoides và Voọc bạc Trachypithecus sp. không ghi nhận được trong nghiên cứu này, cho thấy khả năng hiện diện của loài trong vùng nghiên cứu là rất thấp, cần có thêm thời gian nghiên cứu để xác minh sự hiện diện của loài.
Nghiên cứu bước đầu đánh giá được một số đặc điểm về tập tính của các loài linh trưởng, xác định được hiện trạng phân bố và vùng phân bố tiềm năng để từ đó giúp Vườn quốc gia xây dựng kế hoạch bảo tồn hiệu quả trong tương lai.
Thực hiện:
Tạ Ngọc Dân1, Trần Văn Bằng2, Hồ Đắc Long1, Nguyễn Thành Trung2
1: Vườn quốc gia Lò Gò Xa Mát, tỉnh Tây Ninh
2: Viện Sinh thái học Miền Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ
Ý kiến bạn đọc
- Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, khiến nghị của người dân
- Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp
- Dịch vụ công trực tuyến tỉnh Tây Ninh
- Cổng thông tin điện tử tỉnh Tây Ninh
- Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tây Ninh
- Sở Nông nghiệp và PTNT Tây Ninh
- Sở Khoa học và Công nghệ Tây Ninh
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật Tây Ninh