“Cơ chế chia sẻ lợi ích”, điểm nhấn quan trọng trong dự án bảo tồn Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát

Thứ năm - 14/06/2012 15:42
“Cơ chế chia sẻ lợi ích”, điểm nhấn quan trọng trong dự án bảo tồn Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát

     Thí điểm Cơ chế chia sẻ trách nhiệm và các nguồn lợi trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng,gọi tắt là “Cơ chế chia sẻ lợi ích” được đề xuất nhằm tìm ra một giải pháp có hiệu quả cho việc quản lý, bảo tồn rừng đặc dụng thông qua việc hình thành Cơ chế chia sẻ lợi ích, theo đó mở rộng khả năng tiếp cận tài nguyên rừng cho cá nhân, cộng đồng trong rừng đặc dụng và vùng đệm mà sinh kế phụ thuộc vào tài nguyên rừng, nâng cao động lực và trách nhiệm của họ trong việc bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng, từng bước thực hiện xã hội hoá hoạt động quản lý và bảo vệ rừng và đa dạng sinh học. Cơ chế này được dự kiến đề xuất thực hiện thí điểm tại 5 khu rừng đặc dụng, bao gồm: VQG Bạch Mã (Thừa Thiên Huế - Quảng Nam), VQG Núi Chúa (Ninh Thuận), VQG Lò Gò - Xa Mát (Tây Ninh), Khu BTTN Mù Cang Chải (Yên Bái) và Khu BTTN Xuân Liên (Thanh Hoá).

    VQG Lò Gò - Xa Mát nằm tại phía Nam của đất nước, và là đại diện duy nhất cho vùng sinh thái rừng khô miền Trung Đông Dương (CIDFE) - một trong bốn vùng sinh thái toàn cầu tại miền Nam Việt Nam. Đây là vùng sinh thái có các kiểu rừng nổi tiếng toàn cầu về số lượng các loài thú lớn sống trong các khu vực nguyên sinh rộng lớn. Trong số 160 loài thú đã được ghi nhận trong vùng sinh thái này thì có 34 loài có mặt tại VQG Lò Gò - Xa Mát. Nhưng ưu tiên bảo tồn của vùng sinh thái trên đất liền này không chỉ về đặc điểm đa dạng sinh học (ĐDSH) nổi bật mà quan trọng là nó đại diện cho khu vực quý hiếm trong vùng sinh thái trên đất thấp với các sinh cảnh rộng lớn còn nguyên vẹn có thể hỗ trợ các loài thú lớn sinh sống về lâu về dài.

Rừng khộp dầu Trà Beng - dạng rừng đặc trưng của Tây nguyên cũng có mặt tại VQG Lò Gò - Xa Mát. Đây là loại rừng khá giàu tính đa dạng sinh học.

    Với tầm quan trọng đó, trong những năm qua, ngân sách Nhà nước (bao gồm ngân sách hỗ trợ từ Trung ương và ngân sách tỉnh) đã thực hiện đầu tư vào công tác bảo tồn của vườn quốc gia. Thêm vào đó, tài trợ nhỏ lần đầu (Pha I) của Quỹ Bảo tồn Việt Nam - VCF với kinh phí khoảng 50.000 USD đã được triển khai từ năm 2008-2010. Nhờ vào những nguồn đầu tư này, năng lực của Ban quản lý đã được cải thiện, cộng đồng địa phương đã tham gia vào công tác quản lý của Vườn, các chương trình tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức đã được giới thiệu. Căn cứ vào các thành tựu đã đạt được từ Pha I, đơn vị đã đề xuất với VCF hỗ trợ kinh phí thực hiện tiếp Pha II (dự án bảo tồn giai đoạn 2). Sau khi xem xét đề xuất dự án, ngày 27.02.2012, Cục Kiểm lâm (cơ quan được giao quản lý Quỹ Bảo tồn Việt Nam) có văn bản đồng ý về mặt kỹ thuật đối với dự án và đề nghị UBND tỉnh Tây Ninh ra quyết định phê duyệt dự án theo thẩm quyền. Mới đây, ngày 6.6.2012, UBND tỉnh Tây Ninh đã phê duyệt dự án “Nâng cao năng lực giám sát đa dạng sinh học và xây dựng Cơ chế chia sẻ lợi ích cho Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát” do Quỹ Bảo tồn rừng đặc dụng Việt Nam - VCF tài trợ.

    Dự án được thực hiện với mục tiêu nhằm nâng cao năng lực cán bộ VQG phục vụ công tác bảo vệ rừng, nâng cao các kỹ năng phòng chống cháy rừng; thu hút người dân tham gia vào công tác bảo vệ rừng; giám sát các loài và sinh cảnh chính; thí điểm lập các mô hình chia sẻ lợi ích và các mô hình hỗ trợ sinh kế cho người dân, nhằm bù đắp vào thiệt hại cho người dân do không được vào rừng khai thác lâm sản. Theo đó, các hoạt động chủ yếu của dự án là cung cấp cho Ban quản lý Vườn quốc gia các kỹ năng giám sát các loài thú, chim, bò sát và các sinh cảnh chính; giám sát ĐDSH, đánh giá của người dân về trữ lượng và mức độ sử dụng các loài lâm sản ngoài gỗ (LSNG) thông thường; xác định và thực hiện các hoạt động hỗ trợ sinh kế và các hoạt động tạo thu nhập thay thế cho người dân sống trong vùng đệm; khuyến khích khai thác LSNG bền vững và thí điểm lập Cơ chế chia sẻ lợi ích (BSM). Tổng kinh phí thực hiện dự án hơn 2,6 tỷ đồng, trong đó vốn hỗ trợ từ VCF gần 2,1 tỷ đồng và vốn đối ứng địa phương là hơn 542 triệu đồng. Thời gian thực hiện dự án là trong năm 2012 và dự án được tiến hành trong Vườn, vùng đệm và các vùng lân cận Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát thuộc huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.

    Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát được chọn là một trong 5 thí điểm dự kiến xây dựng Cơ chế chia sẻ lợi ích (BSM) của quốc gia, là đại diện duy nhất của khu vực miền Nam. Thí điểm này được xây dựng dựa trên cơ sở thực tiễn của vùng. Theo luật pháp hiện hành thì người dân không được phép khai thác bất kỳ tài nguyên sinh học nào trong các khu rừng đặc dụng. Quan điểm BSM còn khá mới lạ tại Việt Nam. Khảo sát tài nguyên thiên nhiên và mức độ sử dụng của người dân địa phương là cơ sở để hoạch định các chính sách bảo tồn và hình thành Cơ chế chia sẻ lợi ích tại VQG Lò Gò - Xa Mát.

THANH TÙNG

  Ý kiến bạn đọc

  • Đang truy cập4
  • Hôm nay335
  • Tháng hiện tại2,198
  • Tổng lượt truy cập656,760
Bản đồ vườn quốc gia
  • ban do

Số : 1098/QĐ-UBND

Tên : Quyết định thành lập Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát

Thời gian đăng: 05/08/2024

lượt xem: 107 | lượt tải:33

Số : 01/2023/TT-BTNMT

Tên : Thông tư ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường xung quanh

Thời gian đăng: 20/03/2023

lượt xem: 320 | lượt tải:199

Số : 521/QĐ-VQG

Tên : Về việc phê duyệt quy hoạch cán bộ cấp phòng nhiệm kỳ 2026-2031

Thời gian đăng: 20/06/2022

lượt xem: 310 | lượt tải:228

Số : 522/QĐ-VQG

Tên : Về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cán bộ cấp phòng nhiệm kỳ 2021-2026

Thời gian đăng: 20/06/2022

lượt xem: 409 | lượt tải:228

Số : 446/QĐ-UBND

Tên : QĐ ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021

Thời gian đăng: 03/06/2022

lượt xem: 316 | lượt tải:0
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây