Le khoang cổ - nguồn gien quý mới phát hiện tại Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát

Thứ ba - 13/09/2011 22:42

Le khoang cổ - nguồn gien quý mới phát hiện tại Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát

Le khoang cổ - nguồn gien quý mới phát hiện tại Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát

Le khoang cổ có tên khoa học là Nettapus coromandelianus (Gmelin, 1789), thuộc họ Vịt - Anatidae, Bộ Ngỗng - Anseriformes. Hình dạng chim đầu tròn, chân ngắn, chiều dài thân: 33 - 38 cm. Điểm độc đáo của loài “vịt giời” này là chim trống trưởng thành thay đổi màu lông theo mùa. Bộ lông mùa hè chim trống trên trán màu trắng, đỉnh đầu màu nâu với nhiều lông màu lục có ánh sắc đồng ở mép, một vòng đen ở góc cổ có ánh lục. Phần còn lại ở đầu, cổ và mặt bụng trắng, dưới đuôi có vằn nâu.

Vai và lưng lục sẫm có ánh đỏ. Trên đuôi trắng xám đến điểm nâu. Nhìn chung lông cánh và đuôi có màu nâu. Bộ lông mùa đông vòng đen ở cổ biến mất hay chỉ còn màu nhạt, ánh lục đỏ ở bộ lông cũng không còn nữa. Khi bay, hai cánh có màu xanh lục với các dải trắng, làm cho các con trống rất dễ thấy ngay cả khi chúng bay thành các đàn lớn cùng nhiều con Le nâu (Dendrocygna javanica), loài chia sẻ cùng môi trường sống với Le khoang cổ. Chim cái trưởng thành trên đầu nâu đen, một dải nâu sậm xuyên qua mắt.


 

Phần còn lại của đầu, cổ và mặt bụng trắng. Dưới cổ và ngực có nhiều vạch hẹp nâu thẫm tạo thành vòng cổ nhạt. Mặt và cổ có vệt nâu. Gương cánh màu trắng, mỏ nâu hay lục vàng thẫm. Chân vàng xám nhạt có phớt lục đen nhạt, nhưng trong mùa sinh sản mỏ và chân chim lại có màu đen. Mỏ ngắn, trông tương tự như ngỗng.

Le khoang cổ sống định cư, có thể di chuyển nhưng chỉ trong phạm vi khu vực phân bố. Sinh cảnh vùng cư trú là đầm, hồ và các khu vực ngập nước ngọt khác. Chim khá dạn dĩ với con người tại những nơi chúng không bị săn bắn. Chúng bay nhanh nhẹn và đôi khi có thể lặn khá lâu. Thức ăn chủ yếu là hạt và các loại rau, cỏ, đặc biệt là các loài súng; ngoài ra chúng cũng ăn cả sâu bọ, động vật giáp xác v.v… Thời gian Le khoang cổ sinh sản trong khoảng tháng 6 đến tháng 8, chim làm tổ trong hốc cây, độ cao vị trí làm tổ so với mặt đất từ 2 - 21m, chúng đẻ từ 8 đến 14 trứng, kích thước trứng 43,1 x 32,9 mm.

Le khoang cổ mới được phát hiện lần đầu tiên tại VQG Lò Gò -Xa Mát, nhưng từ trước tại Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai) người ta đã quan sát thấy Le khoang cổ sống theo đàn nhỏ ở khu vực dọc suối chảy qua vùng rừng thưa cây họ dầu và tre, thường đậu trên cây gỗ lớn, trụi lá. Và ở Khu bảo tồn thiên nhiên Đầm Dơi (Cà Mau), cũng đã gặp 3 - 4 cá thể sau khi khu rừng cây gỗ lớn gần như đã bị huỷ hoại; còn ở Sân chim Bạc Liêu chỉ gặp một đôi tại khu ao ở trung tâm vườn. Trên thế giới giá trị của Le khoang cổ ở chỗ chúng là đối tượng phục vụ du lịch sinh thái, giải trí, được nhiều người ưa thích. Nhưng cũng chính vì thế nguồn gien quý này đang bị suy giảm mạnh. 

Ở Việt Nam số lượng Le khoang cổ suy giảm nhanh chóng. Trước đây người ta gặp chúng khá phổ biến ở nhiều nơi, hiện nay đã trở nên rất hiếm. Le khoang cổ sống định cư và làm tổ, do vậy là đối tượng rất dễ dàng bị săn bắt. Đồng thời chúng còn bị đe doạ do vùng cư trú bị mất vì rừng bị khai thác, cháy rừng, san lấp các hồ nước, mặt nước tự nhiên, các khu vực làm tổ và kiếm ăn thích hợp với chim bị quấy nhiễu và bị thu hẹp. Qua những thông tin cho thấy đây là loài chim nước còn lại rất ít trong tự nhiên.

Do vậy Le khoang cổ cần được quan tâm, bảo vệ với những biện pháp giáo dục bảo vệ trong các cộng đồng địa phương. Mức độ đe dọa: bậc T (bị đe doạ - sách đỏ Việt Nam). Phân hạng: EN (nguy cấp – Sách đỏ IUCN). Hiện nay, Le khoang cổ chỉ mới được bảo vệ tại một số khu bảo tồn và hy vọng số lượng các quần thể còn sống sót sẽ được phục hồi nhanh chóng tại đó như ở Vườn quốc gia Cát Tiên, Vườn chim Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, Sân chim Đầm Dơi.

Việc phát hiện Le khoang cổ ở Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát là một tín hiệu vui cho những người làm công tác bảo tồn của VQG. Cùng với thông tin về sự xuất hiện Trâu rừng ở khu Rừng phòng hộ hồ nước Dầu Tiếng (Báo Tây Ninh đã đưa tin) là một minh chứng cho hiệu quả việc đầu tư vào công tác bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học trong thời gian qua ở tỉnh nhà. Tuy nhiên, tín hiệu vui đó cũng đặt nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học càng nặng nề hơn trong thời gian tới. Đối với Ban quản lý VQG Lò Gò – Xa Mát, theo chúng tôi trong thời gian tới cần phải tiến hành thực hiện ngay việc điều tra vùng định cư và thực hiện khoanh bảo vệ thật tốt khu định cư của Le khoang cổ (tức là thực hiện xác lập Khu bảo tồn loài – sinh cảnh theo Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý rừng).

Trước mắt, ngoài việc cấm săn bắt các cá thể Le khoang cổ, bên cạnh đó cũng cần thực hiện nghiêm cấm các hành vi như: các hoạt động khác nhau xâm phạm vùng định cư, giăng lưới cố định để bắt cá ở những vùng Le khoang cổ thường kiếm ăn (vì Le khoang cổ sẽ bị mắc lưới và chết khi bơi, lặn kiếm ăn); tuyệt đối không được thu trứng của loại chim này nhằm giúp chúng phát triển về số lượng... từ đó góp phần phục hồi nguồn gien sắp bị tuyệt chủng ngoài tự nhiên của loài chim nước này.

Tương tự như vậy, chúng tôi hy vọng các cơ quan chức năng, các cơ quan chuyên môn của tỉnh sớm có kế hoạch khảo sát, điều tra xác định sự hiện diện của Trâu rừng ở khu Rừng phòng hộ hồ Dầu Tiếng Tây Ninh, để từ đó làm cơ sở cho các đề xuất bảo vệ và bảo tồn loại thú lớn đang bị nguy cấp này.

                                                                     Thanh Tùng

                                            (BQL Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát)

 

  Ý kiến bạn đọc

  • Đang truy cập6
  • Hôm nay1,407
  • Tháng hiện tại21,172
  • Tổng lượt truy cập618,188
Bản đồ vườn quốc gia
  • ban do

Số : 1098/QĐ-UBND

Tên : Quyết định thành lập Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát

Thời gian đăng: 05/08/2024

lượt xem: 77 | lượt tải:27

Số : 01/2023/TT-BTNMT

Tên : Thông tư ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường xung quanh

Thời gian đăng: 20/03/2023

lượt xem: 301 | lượt tải:197

Số : 521/QĐ-VQG

Tên : Về việc phê duyệt quy hoạch cán bộ cấp phòng nhiệm kỳ 2026-2031

Thời gian đăng: 20/06/2022

lượt xem: 294 | lượt tải:218

Số : 522/QĐ-VQG

Tên : Về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cán bộ cấp phòng nhiệm kỳ 2021-2026

Thời gian đăng: 20/06/2022

lượt xem: 391 | lượt tải:222

Số : 446/QĐ-UBND

Tên : QĐ ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021

Thời gian đăng: 03/06/2022

lượt xem: 300 | lượt tải:0
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây