Cò Nhạn- loài chim quý hiếm xuất hiện với số cá thể kỷ lục

Thứ ba - 13/09/2011 10:06

Cò Nhạn- loài chim quý hiếm xuất hiện với số cá thể kỷ lục

Cò Nhạn- loài chim quý hiếm xuất hiện với số cá thể kỷ lục

 

Trong đó Cò nhạn là loài có số lượng cá thể nhiều nhất và xuất hiện thường xuyên hằng năm vào tháng 7 đến tháng 12 tại khu vực trảng Tà Nốt. Tuy gọi là Cò, nhưng Cò nhạn thuộc họ Hạc – Ciconiidae, bộ Hạc – Ciconiiformes và có tên khoa học là Anastomus oscitans (Boddaert,1783), dân gian nước ta còn gọi Cò ốc, vì Cò nhạn thích… “ăn ốc hay mò”.
Năm 2002, tổ chức quốc tế BirdLife và các cán bộ thuộc Sở Khoa học - Công nghệ, Ban quản lý dự án rừng đặc dụng lịch sử Lò Gò – Xa Mát (nay là Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát) lần đầu tiên phát hiện và đếm được hơn 120 cá thể Cò nhạn tại trảng Tà Nốt. Từ năm 2003 - 2009, mỗi mùa Cò nhạn về Vườn quốc gia các cán bộ bảo tồn đa dạng sinh học đếm được khoảng 120 - 160 cá thể. Đặc biệt trong năm nay, từ ngày 17.7 đến nay, Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát phát hiện và đếm được hơn 400 cá thể, được chia thành 3 đàn lớn về kiếm ăn và trú ngụ tại khu vực trảng Tà Nốt. Có khả năng sẽ còn nhiều hơn vì hiện chúng còn đang tiếp tục kéo nhau về. Đây là con số kỷ lục từ trước trước đến nay. 

Cò nhạn sống ở các sinh cảnh khác nhau của các vùng đất ngập nước ngọt như là hồ ao, kênh mương, sông, bải bùn ngập nước, ruộng lúa... Thức ăn chủ yếu là các loại ốc, các động vật thuỷ sinh như ếch, nhái, cua và côn trùng lớn. Chưa có nhiều dữ liệu về sự sinh sản của loài này. Theo tài liệu thì Cò nhạn làm tổ tập đoàn cùng một số loài cò, diệc, cò quăm. Tổ của chúng làm rất gần nhau. Mùa sinh sản bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau, thường đẻ 2 - 5 trứng, thời gian ấp 27 - 30 ngày. Trứng Cò nhạn rất to, lớn hơn trứng ngỗng. Ở nước ta, chỉ thấy Cò nhạn làm tổ ở một vài sân chim ở miền Tây Nam bộ và ở Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát (Tây Ninh). Còn trên thế giới Cò nhạn chỉ có ở Nam Á và Đông Nam Á: Ấn Độ, Xri lanka, Nêpan, Mianma, Thái Lan, Lào, Campuchia.
Cò nhạn là nguồn gien quý, hấp dẫn cho tham quan du lịch sinh thái. Nhưng hiện nay loài này đã có tên trong Sách đỏ Việt Nam (1992, 2000) ở bậc R (hiếm). Trước đây người ta thường gặp Cò nhạn làm tổ ở sân chim Đầm Dơi và Cái Nước (Cà Mau), năm 1980 các nhà khoa học gặp khoảng 1.000 tổ ở Đầm Dơi và năm 1999 đếm được 168 con ở U Minh Thượng (Kiên Giang). Nhưng hiện nay số lượng Cò nhạn đang trên đà giảm sút, đáng lo ngại là không còn gặp làm tổ ở sân chim Đầm Dơi. Nguyên nhân chính là do các sân chim bị con người tác động mạnh bởi các hoạt động kinh tế như xẻ kênh mương để nuôi tôm, nạn lấy trứng và bắt chim non diễn ra thường xuyên (Sách đỏ Việt Nam 2007). Về phân hạng, Cò nhạn được xếp vào hạng VU A1a,c,d,e C2a (sẽ nguy cấp) - một loài được coi là “sẽ nguy cấp” khi chưa phải là “nguy cấp” hoặc “rất nguy cấp”, nhưng đang đứng trước một nguy cơ lớn là sẽ bị tuyệt chủng ngoài thiên nhiên trong một tương lai tương đối gần.
Cò nhạn là loại có đặc điểm sống định cư (loài được xem là loài định cư là loài quanh năm có mặt và làm tổ trong vùng, hoặc di chuyển trong phạm vi hẹp) không phổ biến, chỉ xuất hiện ở một số tỉnh Nam bộ. Tuy là loài có đặc điểm sống định cư, nhưng do vùng sinh sống và nơi tìm kiếm thức ăn ngày càng bị thu hẹp do nhiều lý do khác (trong đó có cả lý do biến đổi khí hậu, lũ lụt, hạn hán...), cho nên buộc chúng phải tìm kiếm thức ăn ở vùng đất ngập nước an toàn khác, do vậy chúng ta mới có thể thấy Cò nhạn xuất hiện ở Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát. Theo quan sát của cán bộ Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát, trong những năm qua, cho thấy thời gian xuất hiện của Cò nhạn ở Lò Gò – Xa Mát chỉ kéo dài từ tháng 6,7 đến tháng 12. Thời điểm đồng bằng sông Cửu Long nước ngập sâu, Cò nhạn khó kiếm ăn, trong khi ở Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát nước ngập cạn, phù hợp cho việc kiếm ăn của chúng hơn.
Đây là một trong những loại chim lớn trong họ Hạc, khá hấp dẫn đối với khách du lịch, là nguồn gien quý của khoa học đang có nguy cơ bị tuyệt chủng ngoài thiên nhiên. Do vậy, việc bảo vệ loài chim này đang được Nhà nước rất quan tâm, thông qua việc quy hoạch sử dụng hợp lý các sân chim ở Cà Mau, Bạc Liêu và thực hiện đầu tư bảo vệ chúng ở Vườn quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang). Đối với Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát, để bảo vệ loài chim này trong thời gian chúng đến trú ngụ và tìm kiếm thức ăn, cần thực hiện triệt để việc nghiêm cấm các hoạt động xâm hại vùng trú ngụ (vùng Cò nhạn về ngủ, nghỉ), vùng tìm kiếm thức ăn, các hoạt động săn bắn, bẫy bắt dưới các hình thức khác nhau. Đặc biệt là nghiêm cấm việc dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật, các loại thuốc độc… để phục vụ cho việc đánh bắt chim lớn và lấy trứng của chim.


THANH TÙNG

 

  Ý kiến bạn đọc

  • Đang truy cập6
  • Hôm nay213
  • Tháng hiện tại23,321
  • Tổng lượt truy cập620,337
Bản đồ vườn quốc gia
  • ban do

Số : 1098/QĐ-UBND

Tên : Quyết định thành lập Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát

Thời gian đăng: 05/08/2024

lượt xem: 77 | lượt tải:27

Số : 01/2023/TT-BTNMT

Tên : Thông tư ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường xung quanh

Thời gian đăng: 20/03/2023

lượt xem: 301 | lượt tải:197

Số : 521/QĐ-VQG

Tên : Về việc phê duyệt quy hoạch cán bộ cấp phòng nhiệm kỳ 2026-2031

Thời gian đăng: 20/06/2022

lượt xem: 294 | lượt tải:220

Số : 522/QĐ-VQG

Tên : Về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cán bộ cấp phòng nhiệm kỳ 2021-2026

Thời gian đăng: 20/06/2022

lượt xem: 391 | lượt tải:222

Số : 446/QĐ-UBND

Tên : QĐ ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021

Thời gian đăng: 03/06/2022

lượt xem: 300 | lượt tải:0
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây