Trong thời gian vừa qua, kinh tế thế giới đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, song các mô hình phát triển kinh tế trong giai đoạn này được thực hiện theo kiểu nền kinh tế “nâu”. Đó là phát triển một nền kinh tế các quốc gia chủ yếu dựa vào khai thác và sử dụng quá nhiều năng lượng từ nhiên liệu hoá thạch và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, từ đó đã gây ra những tổn hại to lớn cho môi trường như ô nhiễm không khí, nguồn nước, suy thoái đất, mất rừng và suy giảm đa dạng sinh học. Song song với sự phát triển, là sự phát thải quá nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính như CO2, SO2, CH4… là nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu, đe doạ cuộc sống con người và gây ra tổn thất cho hoạt động kinh tế. Nhằm thay đổi tình trạng này, Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) đã đưa ra một hướng tiếp cận mới cho phát triển kinh tế được nhiều quốc gia đồng tình hưởng ứng, đó là phát triển “nền Kinh tế xanh” (Green Economy).
Phát động trồng cây nhớ Bác. Ảnh: Hoàng Anh |
Khái niệm nền Kinh tế xanh được UNEP khởi xướng là một nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo tính công bằng về mặt xã hội. Trong nền Kinh tế xanh, sự tăng trưởng về thu nhập và việc làm thông qua việc đầu tư của Nhà nước và tư nhân cho nền kinh tế làm giảm thiểu phát thải carbon, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học và dịch vụ của hệ sinh thái. Các yếu tố cần thiết cho sự thành công của việc xây dựng một nền Kinh tế xanh bao gồm năng lượng bền vững, những công việc xanh, các ngành kinh tế với lượng khí thải thấp, chính sách xanh, các toà nhà xanh, nông nghiệp, thuỷ sản, lâm nghiệp, công nghiệp, tiết kiệm năng lượng, du lịch, giao thông bền vững, quản lý chất thải, hiệu quả sử dụng nước và các nguồn tài nguyên khác.
Xét về mặt học thuật, “nền Kinh tế xanh” là sự nâng cấp của “Kinh tế môi trường”, về bản chất kinh tế môi trường là “Nghiên cứu mối quan hệ tương tác, phụ thuộc và quy định lẫn nhau giữa kinh tế và môi trường (hệ thống hỗ trợ cuộc sống của trái đất) nhằm bảo đảm một sự phát triển ổn định, hiệu quả, liên tục và bền vững trên cơ sở bảo vệ môi trường và lấy con người làm trung tâm”, Kinh tế xanh nhấn mạnh hơn đầu tư cho phát triển chú trọng tới giảm thiểu ô nhiễm, nhất là giảm phát thải carbon và duy trì, phát triển nguồn vốn của tự nhiên, mang lại quyền hưởng lợi của mọi người do đầu tư đó mang lại.
Tiếp tục triển khai, thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2015, Hội nghị lần thứ 3 BCHTW Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, đảm bảo phúc lợi và an sinh xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường. Đây chính là định hướng phát triển “nền Kinh tế xanh” và “Tăng trưởng xanh” của Việt Nam. Việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thân thiện với môi trường, với các hoạt động hạn chế các ngành gây ô nhiễm, cơ cấu kinh tế vùng dựa trên các hệ sinh thái, phát triển hàng hoá và dịch vụ môi trường, phát triển năng lượng sạch... Và đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ môi trường, đầu tư phát triển một số ngành Kinh tế xanh mũi nhọn như nông nghiệp hữu cơ, du lịch sinh thái, công nghiệp tái chế, năng lượng sinh học, tái sinh rừng tự nhiên... là một yêu cầu bức thiết hàng đầu hiện nay.
Năm 2012 được Liên Hợp Quốc chọn là Năm Quốc tế về năng lượng bền vững cho tất cả chúng ta. Chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2012 là “Kinh tế xanh: Có vai trò của Bạn”, nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân để xây dựng nền Kinh tế xanh hướng tới sự phát triển bền vững cho nhân loại. Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm nay, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã có Công văn số 110/BTNMT-TCMT ngày 11.4.2012 đề nghị các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc thực hiện một số hoạt động cụ thể nhằm thiết thực hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2012. Theo đó, các hoạt động thiết thực hưởng ứng bao gồm tổ chức chiến dịch truyền thông về bảo vệ môi trường, đặc biệt là các nội dung liên quan đến chủ đề Kinh tế xanh phù hợp với từng ngành, lĩnh vực và địa phương mình; khuyến khích sử dụng công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường, ít tiêu hao năng lượng, hạn chế sử dụng các nguồn nguyên nhiên liệu có phát sinh chất thải, gây ô nhiễm môi trường…
Bạn có thể làm gì để tham gia xây dựng một nền Kinh tế xanh? Hãy tham gia các hoạt động như các cuộc thi, triển lãm, giao lưu văn nghệ, hội thảo khoa học về chủ đề Kinh tế xanh; tham gia làm vệ sinh môi trường trên địa bàn dân cư nơi cư trú, cơ quan, đơn vị, trường học, cơ sở sản xuất, kinh doanh; thực hiện trồng cây phủ xanh đất trống, đồi trọc, những khu vực công cộng; cùng chung tay với cộng đồng trong việc giải quyết những vấn đề môi trường bức xúc tại địa phương…
Thanh Tùng
Ý kiến bạn đọc
- Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, khiến nghị của người dân
- Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp
- Dịch vụ công trực tuyến tỉnh Tây Ninh
- Cổng thông tin điện tử tỉnh Tây Ninh
- Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tây Ninh
- Sở Nông nghiệp và PTNT Tây Ninh
- Sở Khoa học và Công nghệ Tây Ninh
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật Tây Ninh