Bài báo có tựa đề trên được đăng trên báo Nông nghiệp Việt Nam số 116, ra ngày 13.6.2011, phản ánh tình hình công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng tại Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát. Nội dung này cũng đã được cử tri đặt ra tại các cuộc tiếp xúc trước kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Tây Ninh khoá VIII. Chấp hành chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban quản lý Vườn quốc gia (BQL-VQG) đã có văn bản giải trình tại kỳ họp HĐND tỉnh.
Trước đó tại Vườn quốc gia đã diễn ra một cuộc họp báo, với sự có mặt của đại diện Thông tấn xã VN, Báo Nông nghiệp VN, Báo Thanh tra, Báo Thanh niên, Báo Tây Ninh cùng lãnh đạo cơ quan Kiểm lâm vùng 3 và ngành Kiểm lâm tỉnh, huyện, đại diện chính quyền huyện, xã sở tại, các Đồn Biên phòng 831, 833 và BQL-VQG để làm rõ những vấn đề được nêu trong bài báo “Băm nát Vườn quốc gia..”. Đặc biệt tại cuộc họp mặt còn có mặt các hộ dân được dẫn chứng trong bài báo.
Nội dung của bài báo trên phản ảnh 4 vấn đề chính: 1-“Ở Tiểu khu 17 có gần 100 ha đất trong giai đoạn làm sạch cây rừng để trồng nông sản”; 2-“Những cánh đồng nông sản bất tận ở Tiểu khu 30”; 3-“Tình trạng phá rừng bán đất trồng mì tràn lan ở VQG”; 4-Vấn đề “Cắt ra khỏi Vườn quốc gia hàng chục ha đất… mà trên đất này sau đó toàn cây cao su của mấy ổng”. Trên cơ sở kết luận của cuộc họp báo, BQL-VQG đã giải trình trước kỳ họp 2 HĐND tỉnh từng nội dung như sau:
Sự việc ở tiểu khu 17
Bài báo nêu: “ở Tiểu khu 17 có ngót trăm ha đất trong lòng VQG đã được phát dọn sạch sẽ, trong đó một nửa diện tích đã trồng khoai mì đang lên xanh mướt…”, BQL-VQG giải trình: Trên thực tế khu đất này chỉ có khoảng 20 ha (bao gồm 2 đám) thuộc phân khu phục hồi sinh thái biên giới (không thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt).
Khu vực này đã có thời gian được giao cho chính quyền địa phương cấp cho dân, VQG chỉ quản lý từ năm 2002 đến nay. Diện tích đất trống là rẫy cũ của cả người dân Campuchia sang xâm canh và dân Việt Nam bao chiếm sản xuất trước khi được giao cho VQG quản lý. Đây là các diện tích đất trống thuộc đối tượng phải trồng lại rừng.
Tuy nhiên do đây thuộc vùng biên giới chưa được minh định và theo Hiệp ước ký kết năm 1985 giữa hai nước Việt Nam và Campuchia, khu này cần phải giữ nguyên hiện trạng nên VQG không thể tiến hành trồng lại rừng.
Trong khi chưa trồng lại rừng được thì vẫn để cho người dân đang bao chiếm đất tiếp tục sản xuất nông nghiệp để giữ đất, nhưng phải chừa băng rộng 0,8m để khi cần thiết thì có thể đưa cây rừng vào trồng ngay.
Trên các khu đất sản xuất nông nghiệp này vẫn còn vài cây rừng sống rải rác, nhưng không có cây tốt hay gỗ quý hiếm như bài báo đã nêu. Có 2 hộ dân đã khoanh vỏ, đốt cây để cây rừng chết nhằm tạo không gian dinh dưỡng cho cây nông nghiệp phát triển nhưng chỉ có khoảng 20 cây bị tác động và các hành vi này đều được lực lượng bảo vệ rừng và kiểm lâm VQG phát hiện và xử lý kịp thời.
Trường hợp cụ thể mà bài báo nêu đã được phát hiện, và ngày 4.4.2011 Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia đã xử phạt đương sự Nguyễn Văn Hiền số tiền 10.000.000 đồng vì đã có hành vi vạt vỏ khoanh gốc cây rừng tự nhiên mọc rải rác trên lô đất của ông, tổng cộng 20 cây, có đường kính từ 20 cm – 50 cm, gồm: cầy, cám, cò ke, lòng mang… Ông Hiền đã nộp phạt xong.
Về lô rừng trồng 5,5 ha tại tiểu khu 30
Thực chất đây là hai lô rừng trồng tại khoảnh 9, Tiểu khu 30, trồng từ năm 1996 nhưng có tỷ lệ sống thấp, được xếp vào diện bị thiệt hại (nằm trong phân khu phục hồi sinh thái). Để khôi phục lại toàn bộ số rừng trồng bị thiệt hại trên toàn bộ địa bàn VQG, năm 2009, VQG đã trình và được phép của UBND tỉnh cho chủ trương thanh lý và trồng phục hồi lại rừng.
Riêng lô rừng được đề cập trong bài báo đã được trồng lại rừng theo mô hình D1, K1 (một hàng cây dầu, một hàng cây keo), hiện tại cây rừng trồng sinh trưởng và phát triển tốt, trên lô rừng hợp đồng có trồng xen cây mì để cải thiện thu nhập.
Hiện vẫn còn một số cây rừng tự nhiên mọc rải rác trong lô rừng trồng này (trường hợp này VQG đã có Công văn số 14/VQG, ngày 19.1.2011 giải trình, cung cấp thông tin, tài liệu cụ thể cho Thanh tra tỉnh Tây Ninh). Không có chuyện chỉ có cây mì và cây keo như bài báo nêu.
Sự việc “hàng chục ha đất... toàn cao su của mấy ổng”
Bài báo nêu: “…làm ranh giới nông lâm cắt ra khỏi VQG hàng chục ha đất… mà trên đất này sau đó toàn là cây cao su của mấy ổng”. BQL-VQG giải trình: Ranh giới Vườn quốc gia hình thành trên cơ sở ranh giới của lâm trường Tân Bình được quy hoạch từ năm 1985 nhưng chưa được làm rõ ngoài thực địa. Đến năm 2000, Ban Quản lý rừng đặc dụng lịch sử Lò Gò – Xa Mát được UBND tỉnh cho phép thực hiện đường ranh giới cụ thể ngoài thực địa (có thiết kế và quá trình thực hiện ranh giới của đơn vị có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị liên quan).
Trên thực tế, khi đoạn ranh giới giữa VQG và đất nông nghiệp do địa phương quản lý hình thành, có khoảng 6 ha rừng tự nhiên và một số rừng trồng (số diện tích này khi chưa làm đường ranh ngoài thực địa thì được xem là rừng của VQG vì nó liền ranh). Vùng đất mà tác giả đề cập là đất nông nghiệp của người dân địa phương, không phải là trách nhiệm của VQG. Nguyên nhân của sự nhầm lẫn này là do chỉ dựa vào thông tin một chiều từ những người có bức xúc với VQG từ đó phản ánh và quy kết trách nhiệm cho VQG không đúng thực tế.
Phần cuối văn bản giải trình, BQL-VQG kết luận: Tóm lại, các nội dung bài báo đăng là không đúng sự thật, cố ý xuyên tạc, bóp méo một số sự việc đơn lẻ và phiến diện.
Vấn đề này đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh, cũng như phủ nhận những nỗ lực của chính quyền địa phương, VQG, và cộng đồng dân cư địa phương trong việc thực hiện bảo vệ, bảo tồn và phát triển rừng ở VQG trong gần 10 năm qua, gây bức xúc đối với lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng… đang cùng nhau ngày đêm làm nhiệm vụ bảo vệ rừng trên tuyến biên giới đầy khó khăn và thiếu thốn. BQL-VQG còn cho biết thêm, sau cuộc họp báo ngày 30.6.2011, trên số báo ra ngày 13.7.2011, Báo Nông nghiệp VN đã đăng đính chính nội dung bài báo trên, đồng thời “chân thành xin lỗi Ban lãnh đạo VQG Lò Gò - Xa Mát và bạn đọc”.
DUY NHÃ
Ý kiến bạn đọc
- Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, khiến nghị của người dân
- Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp
- Dịch vụ công trực tuyến tỉnh Tây Ninh
- Cổng thông tin điện tử tỉnh Tây Ninh
- Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tây Ninh
- Sở Nông nghiệp và PTNT Tây Ninh
- Sở Khoa học và Công nghệ Tây Ninh
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật Tây Ninh