Xu hướng chung của y học ngày nay là đi sâu vào nghiên cứu phát hiện và sàng lọc các hợp chất tự nhiên có hoạt tính sinh học cao từ cây cỏ hoặc động vật. Trong khi đó, nguồn tài nguyên sinh học đã và đang bị suy giảm mạnh trước sức ép của gia tăng dân số và nhiều nguyên nhân khác. Do vậy, vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH), trong đó có bảo tồn và phát triển cây thuốc đang được cộng đồng thế giới và nhiều quốc gia đặc biệt quan tâm.
Theo thông tin của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên và Tài nguyên thiên nhiên Quốc tế (IUCN, 1990) cho thấy, trong số 43.000 loài thực vật mà Tổ chức này có thông tin thì có tới gần 30.000 loài được coi là bị đe dọa ở các mức độ khác nhau, riêng về cây thuốc cũng có hàng trăm loài. Để bảo tồn ĐDSH nói chung và trong đó có cây làm thuốc nói riêng, bên cạnh các giải pháp khai thác hợp lý, người ta còn tiến hành các hình thức bảo tồn tại chỗ - In situ và bảo tồn chuyển chỗ - Ex situ. Mặc dù vậy, phương châm nhất quán của công tác bảo tồn ĐDSH nói chung là bảo tồn phải đi đôi với khai thác sử dụng và phát triển bền vững. Đây cũng là mục tiêu quan trọng nhất trong bảo tồn cây thuốc đang được nhiều quốc gia trên thế giới hướng đến.
Nằm trong vành đai khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, Việt Nam có nguồn tài nguyên cây thuốc khá phong phú và đa dạng. Cộng đồng các dân tộc Việt Nam cũng có nhiều kinh nghiệm sử dụng các loại cây sẵn có để làm thuốc chữa bệnh và bảo vệ sức khỏe.
Theo kết quả điều tra nghiên cứu của Viện Dược liệu – Bộ Y tế (1961 – 2005), đã phát hiện và thống kê được ở Việt Nam có 3.948 loài thực vật và nấm lớn có công dụng làm thuốc. Trong đó trên 85% là những cây thuốc mọc tự nhiên, tập trung chủ yếu trong các quần xã rừng. Hàng năm từ nguồn cây thuốc mọc tự nhiên đã khai thác được 10.000 – 20.000 tấn dược liệu các loại cung cấp cho nhu cầu làm thuốc trong Y học cổ truyền, cho công nghiệp dược chiết xuất hoạt chất và xuất khẩu (Viện Dược liệu, 2005). Song, do khai thác liên tục nhiều năm không chú ý tới bảo vệ tái sinh và vì nhiều nguyên nhân khác đã làm cho nguồn tài nguyên này bị giảm sút nghiêm trọng. Nhiều loài cây thuốc như Ba Kích (Morinda officinalic), Sa nhân (Amomum spp.), Bình vôi (Stephania spp.), Vàng đắng (Coscinium fenestratum)… trước kia khai thác được nhiều nay không còn để khai thác lớn. Nhiều loài khác vốn có giá trị sử dụng và kinh tế cao lại hiếm gặp trong tự nhiên hiện đã trở nên cực hiếm và đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Tổng số các loài cây thuốc bị đe dọa, cần bảo vệ ở Việt Nam hiện đã lên tới 144 loài (Danh lục Đỏ cây thuốc Việt Nam). Những loài cây thuốc này cũng được đưa vào Danh lục Đỏ Thực vật và Sách Đỏ - Thực vật Việt Nam (2007).
Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát là khu vực có tỷ lệ diện tích rừng tập trung lớn nhất của tỉnh Tây Ninh. Theo một số tài liệu lưu trữ từ Dược liệu Trung ương, riêng huyện Tân Biên (tài liệu ghi chép tháng 4/1980), Viện Dược liệu và Trạm Nghiên cứu Dược liệu Tây Ninh đã tiến hành điều tra ở 6 xã: Tân Bình, Tân Lập, Thạnh Bình, Thạnh Đông, Tân Đông và Tân Hội. Kết quả đã ghi nhận được 309 loài cây thuốc, trong đó 235 loài đã được giới thiệu cho khai thác như: Chiêu liêu, Ba kích lông, Bách bộ, Đại phong tử,… Tài liệu cũng cho rằng, ở vùng rừng nào đó ở Tây Ninh trước kia đã từng khai thác Vàng đắng (Coscinium fenestratum) để chiết xuất berberin. Gần đây nhất, đề tài “Điều tra đánh giá hiện trạng diễn biến tài nguyên động thực vật VQG Lò Gò – Xa Mát” do Viện Sinh học Nhiệt đới thực hiện (2006) đã xác định được 179 loài thuộc 67 họ thực vật trong tổng số 694 loài/115 họ thực vật bậc cao có công dụng làm thuốc.
Như vậy, nguồn tài nguyên cây thuốc ở VQG Lò Gò – Xa Mát đã từng được điều tra nghiên cứu. Song, các cuộc điều tra này được thực hiện cách đây khá lâu (từ những năm 1980) và gần đây nhất cũng chỉ được điều tra một cách chung chung theo phương pháp điều tra đa dạng thực vật. Kết quả nghiên cứu chuyên sâu cho thực vật làm thuốc chưa được chỉ ra một cách cụ thể mang ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Các nghiên cứu này cũng chưa chỉ ra được vùng phân bố cụ thể, mức độ an toàn và khả năng sử dụng của các loài cây thuốc ở đây. Một điều đáng lưu ý là, tính đến nay trên phạm vi VQG chưa có đề tài hay dự án nào nghiên cứu kết hợp giữa công tác điều tra phát hiện, bảo tồn cây thuốc và phát triển các loài cây thuốc ở vùng đệm.
Từ các vấn đề trên, đề tài “Điều tra nguồn tài nguyên cây thuốc ở Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát tỉnh Tây Ninh phục vụ cho yêu cầu bảo tồn và phát triển” đã được đề xuất thực hiện.
Hình ảnh điều tra thực địa
1. Mục tiêu của đề tài
- Xác lập danh lục cây thuốc mọc tự nhiên ở VQG Lò Gò – Xa Mát tỉnh Tây Ninh.
- Thu thập mẫu tiêu bản và xử lý mẫu tiêu bản khô các loài cây thuốc điều tra được tại Vườn quốc gia (100 mẫu tiêu bản).
- Xây dựng Vườn cây thuốc cho 50 loài, diện tích 1.700 m2 phục vụ cho yêu cầu bảo tồn và phát triển nguồn gen cây thuốc có giá trị của Vườn quốc gia.
- Đánh giá việc khai thác và sử dụng cây thuốc của cộng đồng cư dân địa phương để có biện pháp tiếp cận, giáo dục cộng đồng trong việc bảo tồn và phát triển cây thuốc tại địa phương.
2. Kết quả đạt được của đề tài
- Xác định được 486 loài cây có vị thuốc ở VQG Lò Gò – Xa Mát tỉnh Tây Ninh (chiếm 70% số loài hiện có ở Vườn) thuộc 322 chi, 104 họ của 4 ngành thực vật bậc cao có mạch là ngành Dương xỉ, ngành Thông đất, ngành Hạt trần và ngành Hạt kín.
Hình ảnh một số loài cây thuốc được trồng thử nghiệm
- Phát hiện 04 loài mới gồm: Bướm bạc một hoa – Aphaenandra uniflora; Chùm đuông – Sphaerocoryne affinis; Huyết rồng – Spatholobus suberectus và Bạch tu lá quế - Naravella laurifolia.
- Xác định được 18 loài cây thuốc có giá trị bảo tồn theo thang đánh giá của Sách đỏ Việt Nam (2007), Danh lục đỏ IUCN (2013) và Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ; 10 loài cây thuốc nằm trong Danh mục vị thuốc Y học Cổ truyền của Bộ Y tế (2013).
- Cây có vị thuốc được phân loại 06 nhóm dạng sống, đó là: cây gỗ nhỏ có 133 loài chiếm 27,4% tổng số loài, cây thân thảo có 114 loài chiếm 29,6%, cây bụi có 97 loài chiếm 20%, dây leo có 87 loài chiếm 17,9%, cây gỗ lớn có 44 loài chiếm 9,1% và phụ sinh có 11 loài chiếm 2,3%. Theo đó, giá trị sử dụng của cây thuốc ở VQG Lò Gò – Xa Mát được xem là rất phong phú và đa dạng: có 7 bộ phận của cây thuốc được dùng để chữa bệnh; có 2 phương thức dùng thuốc là dùng trong và dùng ngoài và 17 nhóm bệnh thông thường được chữa trị bằng cây thuốc.
- Kết quả điều tra nông hộ đã ghi nhận 54 loài cây thuốc phổ biến đang được người dân sử dụng, trong đó có 10 loài: Đỗ trọng, Đậu xương, Dây gùi, Dây gấm, Huyết rồng, Móng bò, Sâm cau, Chanh rừng, Bá bệnh và Cát lồi được người dân thu hái nhiều nhất.
- Xây dựng bộ sưu tập mẫu tiêu bản cây thuốc của 106 loài thuộc 87 chi của 47 họ thực vật bậc cao có mạch.
- Xây dựng Vườn cây thuốc trên diện tích 1.792 m2 và trồng được 56 loài cây thuốc với tổng số cây sống ổn định là 439 cây.
Kiểm tra, nghiệm thu Vườn sưu tập cây thuốc nam
Ý kiến bạn đọc
- Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, khiến nghị của người dân
- Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp
- Dịch vụ công trực tuyến tỉnh Tây Ninh
- Cổng thông tin điện tử tỉnh Tây Ninh
- Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tây Ninh
- Sở Nông nghiệp và PTNT Tây Ninh
- Sở Khoa học và Công nghệ Tây Ninh
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật Tây Ninh