Các loài Nắp ấm (hay Nắp bình, Bình nước) không chỉ có giá trị là một loại cây cảnh đẹp được ưa thích trên khắp thế giới mà còn có tiềm năng dược liệu. Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của Giáo sư Tiến Sĩ Đỗ Tất Lợi (2005) và các tài liệu khác, trong y học cổ truyền phương Đông, các loài cây nắm ấm có vị ngọt, nhạt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, tiêu viêm và được sử dụng để chữa trị một số bệnh như viêm gan, viêm loét dạ dày, tá tràng, sỏi niệu quản, cao huyết áp, cảm mạo, ho gà, ho do cảm mạo, phù thủng toàn thân. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Cây thuốc (Planta Medica) năm 1998 đã chứng minh loài Nắp ấm Thorel chứa nhóm naphthoquinones có hoạt tính chống sốt rét.
(Nắp ấm Thorel - Photo Lưu Hồng Trường)
Nắp ấm Thorel (Nepenthes thorelii) là một loài thực vật từng được xem là đặc hữu của khu vực Đông Dương (chỉ có ở Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam). Loài này được nhà thực vật học người Pháp Clovis Thorel thu được đầu tiên ở xã Thị Tĩnh (Lò Thiêu, tỉnh Bình Dương) trong những năm 1861-1869 và sau đó khoảng 50 năm được nhà thực vật học nổi tiếng Paul Henri Lecomte mô tả (năm 1909). Lecomte đã lấy tên Thorel để đặt tên cho loài. Các mẫu vật này hiện được lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Paris và các bộ thảo tập ở Vườn thực vật Bogor and Vườn thực vật New York. Đến năm 1979, Leo C. Song mô tả một biến thể của loài này nhưng biến thể này được xem là có nhầm lẫn. Trong tự nhiên, Nắp ấm Thorel trông rất giống và dễ bị nhầm lẫn với các loài tương tự. Ngay chính Lecomte cũng nhầm lẫn khi sử dụng các mẫu vật thuộc ba loài khác nhau để mô tả N. thorelii. Các nghiên cứu gần đây cho thấy các cây cảnh được gắn tên “Nepenthes thorelii” được dân chơi cây cảnh trồng trên thế giới thật ra là các cá thể của các loài tương tự (bao gồm N. smilesii, N. kampotiana và N. bokorensis) và các dạng lai giữa các loài này, đồng thời cho thấy Nắp ấm Thorel là loài đặc hữu của Việt Nam (chỉ có ở Việt Nam).
Kể từ khi Thorel thu được mẫu vật của loài này, cho đến gần đây chưa có một ghi nhận chính thức nào có thể khẳng định chắc chắn là loài nắp ấm Thorel còn tồn tại ngoài tự nhiên. Các nỗ lực tìm kiếm của nhóm các nhà nghiên cứu gồm François Mey (một chuyên gia về cây Nắp ấm người Pháp gốc Campuchia, sinh ra ở Hà Tiên), Charles Clarke (người Úc), Alastair Robinson (người Anh) và Lưu Hồng Trường ở khu vực Đông Dương trong những năm gần đây hầu như đã đi đến kết luận là Nắp ấm Thorel đã tuyệt chủng ngoài thiên nhiên. Mãi đến gần đây, một bức ảnh tình cờ của Tiến sĩ Vũ Ngọc Long trong một lần đi khảo sát ở Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát đã cho thấy loài được chụp ảnh có thể là Nắp ấm Thorel. Dựa trên bức ảnh này, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát kỹ và khẳng định sự tồn tại của loài ngoài tự nhiên. Việc phát hiện lại loài này ở Việt Nam sau hơn một trăm năm là một ghi nhận thú vị, cho thấy tính độc đáo của thiên nhiên nước ta. Các khảo sát ở các khu vực lân cận (ở Campuchia) không tìm thất loài này. Cho đến lúc này, có thể khẳng định Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát là địa điểm duy nhất có thể tìm thấy loài này trong tự nhiên.
(Thủy nữ Campuchia - Photo Vũ Ngọc Long)
Cùng với các loài lan Hoàng thảo (Dendrobium minusculum) ghi nhận mới cho khoa học và loài Thủy nữ Campuchia (Nymphoides cambodiana) vừa được ghi nhận lần đầu tiên cho Việt Nam năm 2009, sự phát hiện này cho thấy Vườn Quốc Gia Lò Gò – Xa Mát thật sự là rừng đặc dụng có giá trị khoa học và bảo tồn cao. Chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng vườn quốc gia này đang chứa đựng nhiều bí ẩn cần khám phá; chắc rằng nơi đây còn lưu giữ nhiều loài sinh vật khác chưa được ghi nhận và nhất là nguồn gien nhiều loài quý hiếm khó tìm thấy ngoài thiên nhiên.
Bài và ảnh: Lưu Hồng Trường (Viện Sinh học nhiệt đới)
Ý kiến bạn đọc
- Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, khiến nghị của người dân
- Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp
- Dịch vụ công trực tuyến tỉnh Tây Ninh
- Cổng thông tin điện tử tỉnh Tây Ninh
- Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tây Ninh
- Sở Nông nghiệp và PTNT Tây Ninh
- Sở Khoa học và Công nghệ Tây Ninh
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật Tây Ninh